Giỏ hàng

NHỮNG ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN

NHỮNG ĐỨA TRẺ NỔI LOẠN

Mẹ nào có bé giai đoạn 2 tuổi hoặc gần đấy đừng bỏ qua bài viết này. Mang theo cùng xuyên suốt để dìu dắt con. 

Một người mẹ đầy thất vọng và bất lực nhắn cho tôi: Bố Ken ơi, con em 2 tuổi, cứ nói KHÔNG suốt, cái gì mẹ nói cũng không, em giải thích, rồi nghiêm khắc mà chỉ thấy nói KHÔNG nhiều hơn thôi. E bất lực quá rồi.

Và đó cũng là câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều từ các Ba Mẹ: Tại sao con em cứ nói không, thậm chí kể cả những điều mà trước đây nó rất thích? Nếu không biết, có thể chúng ta sẽ cư xử không đúng, vô tình biến thành một chú "gà công nghiệp".

Hai đứa con trai, Men giờ 19 tháng, bạn đang nói từ Không hàng ngày, hàng giờ… và độ tuổi ấy Ken cũng thế, độ tuổi này Ken lại nói từ KHÔNG theo một cách diễn giải khác trong bạn. Ba Mẹ thân mến, “ KHÔNG” là câu cửa miệng của trẻ trong giai đoạn 2 tuổi. Đây đích thực là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ phản kháng. Là một giai đoạn đặc biệt của thời thơ ấu. Việc không muốn nghe người lớn nói là dấu hiệu của sự trưởng thành. Vậy nếu như trẻ nói “không” thì hãy hiểu và nghĩ rằng “con mình thật sự đã khôn lớn rồi”

Vậy khi lớn lên thì con có nói từ KHÔNG nữa không?. Thực ra trẻ em dù có là độ tuổi nào thì có lúc không muốn hoàn toàn nghe theo điều cha mẹ nói, vì trẻ có sở thích, niềm vui, suy nghĩ riêng cái mà người lớn chúng ta nghĩ nó là vớ vẩn. Thế nên câu trả lời là: nó sẽ tiếp tục nói nhiều tới vài tuổi thậm chí 5 tuổi, Ken đây, giờ 4.5 tuổi lại vào giai đoạn nói Không, nhưng mình biết rằng: Có lúc bạn nói KHÔNG là không thật, nhưng có lúc bạn nói KHÔNG chỉ là bạn gây sự chú ý, bạn thích nói như thế chứ lặng lẽ bên trong mình hiểu, và nếu như khi trưởng thành bạn đó vẫn tự tin nói từ KHÔNG trong đúng bối cảnh thì thực sự xin chúc mừng ba mẹ. Sau này nó mới nói KHÔNG với các cám dỗ trong cuộc đời chứ. Đầy người sống cả nể có dám nói KHÔNG đâu? và cái kết là gì?

Mình thấy bất cứ đứa trẻ nào vâng lời thì đều được người lớn yêu quý và gắn một cái mác là NGOAN. Vì thế có nhiều Ba Mẹ để có từ NGOAN đó mà ép con, mắng con thậm chí đánh con. Một ví dụ đơn giản, nhiều người thấy con không chào hỏi là bảo "con không ngoan", "con hư quá"… nhưng quên mất rằng: "Con trẻ chưa bao giờ có khả năng lắng nghe tốt những gì người lớn nói, nhưng chúng chưa bao giờ thất bại khi bắt chước hành vi của người lớn ". Mình không nhớ lắm vì có quá nhiều tin nhắn gửi đến, hình như là mẹ của bạn Dolphin cũng đã từng phải rất kiềm chế, xuýt nữa thì đánh con chỉ vì con cứ nói từ không. Mình đã phải nói ngay lại để bạn hiểu.

Bản thân mình giờ dù gặp già hay trẻ mình vẫn cứ chào thì auto Ken cũng sẽ chào thôi. Mình gặp 10 lần con chưa sao chép được thì 100 lần chắc chắn có. Sự phản kháng của con trong giai đoạn này kèm theo sự ép buộc của cha mẹ có thể khiến đứa bé càng ngày càng lầm lì, tự cô lập không dám nói không, và thật đau lòng khi con không thể nói từ không ngay trong chính mái ấm thân thương của mình. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Anh em bạn bè mình, những người nổi loạn trước đây giờ cũng thành công nhiều lắm.. Kỉ niệm tuổi thơ lại ùa về, nhớ lại những người bạn cùng trang lứa, và nhớ tới những khoảnh khắc nổi loạn cùng nhau.

Mình nhớ tới những cuộc chiến thường kỳ với cha và chị gái để dành lấy sự tự do cho bản thân mình. Sự kỷ luật của cha là điều mình ngưỡng mộ, đặc biệt nói KHÔNG nhậu cho tới hơn 40 tuổi. Tuy nhiên cha lại hay nói từ PHẢI với mình. Và sau những cuộc chiến thì mình cũng đã đàm phán với cha rằng: Con sẽ không luôn vâng lời đâu, điều đó không có nghĩa là con sẽ luôn cãi lời cha. Cha biết thành tích học hành của mình cũng ổn nên đã trao cho mình nhiều quyền tự do hơn, và cha tập trung việc làm gương và chia sẻ về tính trách nhiệm. Và một cuộc chiến mà mình nghĩ là căng thẳng nhất từ trước tới nay đó chính là trước khi bước vào giảng đường đại học. Và cuối cùng thì sau bao nhiêu năm tháng cha đã thấy thuyết phục.

Quay lại với vấn đề các bạn từ 2 tuổi nói không, chúng ta có thể để một khoảng lặng cho con bình tĩnh và chấp nhận điều đó như một sự đồng cảm rằng “con không thích đúng không”. Ví dụ sáng dậy đến giờ Ken đánh răng, mình nhắc thì Ken bảo Không. Mình bảo con chưa muốn đánh răng à, vậy 5 phút nữa bố con mình cùng đánh hay con tự đánh một mình. Đây là sự kết hợp của Phương pháp gọi tên cảm xúc “ Con chưa muốn đánh răng à” và cho con sự lựa chọn: 5 phút nữa đánh cùng bố hay là tự đánh, tất nhiên cả 2 phương án đều hoàn thành mục tiêu của mình.

EASY tốt rồi, các bạn nhỏ giờ cũng lớn rồi, các bạn ăn ngủ tốt thì càng khỏe, trí thông minh càng phát triển, cần cái tâm rộng mở của cha mẹ để dìu dắt con, mình viết một số bài hỗ trợ, hi vọng các mẹ đọc được, lưu tâm, như chính bản thân đã khắc ghi và mang theo, điềm tĩnh trước con. Mỗi cá nhân đều là DUY NHẤT nên việc ép buộc ai đó hoàn toàn trở thành một phần của đám đông là phá hủy con người đó. Hi vọng Cha mẹ đừng áp đặt học thuyết của mình, chính trị của mình, xã hội và triết lý của mình với con trẻ mà hãy trao cho con ba thứ này, ít hơn sẽ là vô trách nhiệm, nhiều hơn sẽ trở thành xấu xí: sự bảo vệ, sự giúp đỡ và sự tự do. Hãy để cho con sử dụng trí tuệ và sáng tạo của mình. Đừng vì "lời phê của giáo viên" trong bài kiểm tra mà cứ rập khuôn hình tròn là quả trứng, nó có thể ông mặt trời, mặt trăng,….đều không có gì sai cả.

Bố Ken ✍️