Giỏ hàng

DẠY CON CHIA SẺ, CHO ĐI

Xin em bé một mẩu bim bim trong tay, đó là một điều rất khó? Ba mẹ có đang gặp phải tình huống tương tự không?

Qua quan sát rất nhiều những đứa trẻ, Bố Ken nhận thấy, càng lớn lên, không phải chỉ bim bim mà mọi thứ thuộc về các bạn nhỏ đều rất khó chia sẻ cho người khác. Có những người sẽ gắn mác luôn là ÍCH KỈ mà cũng không có giải pháp. Là người lớn, chúng ta sẽ cảm nhận có gì đó gọi là vui khi cho đi, khi chia sẻ giúp đỡ thật lòng người khác. Và mình tin tất cả những người hạnh phúc sâu thẳm từ bên trong, họ luôn muốn chia sẻ, à mà không, là họ sẽ không dừng được việc chia sẻ điều gì đó trong họ. Chính mình cũng trải nghiệm những điều này nên luôn nhắc nhở trong quá trình nuôi dạy Ken.

Một vài câu chuyện thực hành hàng ngày ở bên dưới, Bố Ken hi vọng sẽ giúp ích cho ba mẹ

1/ "Con ơi, bố có món này ngon quá, chia sẻ cho con nhé"

Mọi thứ mình có thể chia sẻ cùng với con, cuốn sách hay, đồ chơi, món ăn….

Bố con cùng nhau đi học về, mẹ sẽ thường bảo: Mẹ có món này ngon chia sẻ cho hai bố con nhé

Luôn nhắc nhở bản thân, cũng như không quên nói lời cảm ơn nhau

2/ "Cô ơi, lần sau cô chỉ gửi mỗi hai bạn một chiếc bánh chứ không phải mỗi bạn hai chiếc bánh ạ"

Đây là nội dung hôm rồi mình tới lớp học ngoại khóa của Ken. Tới lớp, mình thấy các bạn đang ăn bánh khá nhiều, cũng chỉ hơn 1 tiếng nữa là đến giờ ăn cơm nên mình hỏi cô:

- Cô ơi, hình như các bạn đang ăn khá nhiều bánh cô ạ

- Trước cô cho khá nhiều nhưng giờ mỗi bạn cô chỉ cho 2 cái bánh gạo thôi bố ạ

- Hai cái bánh gạo là thành 4 chiếc, lần sau cô tặng các bạn tối đa hai bạn một cái (2 chiếc) cô nhé

- Ít thế à bố

- Dạ, các bạn không có thiếu ăn, đây là cách để các bạn học cách chia sẻ cô ạ. Hai bạn một cái, trong một cái này là có 2 chiếc, tự các bạn xé ra và chia sẻ nhau ạ.

Cô khá bất ngờ vì điều mình chia sẻ, cô cảm ơn. Bố con cũng cảm ơn và chào cô cùng các bạn rồi ra về.

Cũng không cần bảo là chia sẻ thì người ta mới chia sẻ lại, hay chia sẻ mới có người chơi cùng, đó chỉ là bước đường cùng thôi, đừng mang mục đích vào mà để con tự cảm nhận trạng thái trong con, mình hãy làm gương với tất cả những gì sẵn có, bánh ngon thì chắc chắn bố muốn chia sẻ cho con, hãy nói to, rõ với con điều đó,.. chỉ là chúng ta chưa tập trung vào, chưa thấy nó quan trọng mà thôi.

Có một điều nữa, cái này hầu như đại đa số các gia đình đang gặp, đó chính là "miếng ngon thì phần con". Bài học này thẩm thấu từ tuổi thơ của mình, có một lần hạ đĩa bánh kẹo từ bàn thờ, mình đã ăn một quả gì đó, ngay lúc đó cha chia sẻ với mình:

Con ăn có ngon không ?

Mình lúng túng rồi trả lời ngon ạ

Lần sau con mang xuống hỏi mẹ ăn ngon không con nhé. Cha tin mẹ cũng thấy ngon và chia sẻ cho con

Kể từ đó bất cứ quà cáp gì hay từ đâu, mình thường đưa ra cả nhà ăn chung. Và trong bữa ăn cũng không có gắp hay phần con miếng ngon nào cả. Nếu có gắp món nào, thì là gắp cho ông bà trước. Cùng chia sẻ và cùng ăn ngẫu nhiên thôi. Với khẩu hiệu: “Có gì ăn nấy, không đòi không quấy”. Ken cũng rất vui vẻ khi ăn tất cả các món cùng gia đình.

Hình ảnh chính là lúc hai bố con cùng ăn bim bim, đến khi còn miếng cuối, Ken bảo:"Con chia sẻ cho bố này". Thực sự mình cũng bất ngờ đoạn cuối này nên chụp lại và chia sẻ câu chuyện.

Sự tỉ mỉ này mình tin sẽ giúp những em bé khi trưởng thành, dám chia sẻ và cho đi nhiều hơn. Mong ba mẹ đón nhận thông điệp này và tự cho mình những bài học, thực hành trong dạy con, để những đứa trẻ được giáo dục mai sau sẽ tỏa ngát hương thơm cho đất nước chúng ta hơn.

Bố Ken ✍

 

Bạn có thể đọc thêm comment chia sẻ của các ba mẹ tại link: 

https://www.facebook.com/hieu.nguyen.14268/posts/3765914850122610