Giỏ hàng

TRẺ SƠ SINH KHÔNG ĐI Ị NHIỀU NGÀY

TRẺ SƠ SINH KHÔNG ĐI Ị NHIỀU NGÀY


    Một bà mẹ của bé 2 tuần đưa con đến phòng cấp cứu bởi bé đã không ị trong vòng 5 ngày liên tiếp. Con cứ rặn, vặn mọi công lực trong cơ thể, mặt đỏ tía tai cho đến khi bụng cứng đơ và chỉ ra được một chút phân nhỏ.

    Một trong những ác mộng của người làm cha mẹ là phải ngắm con rặn ị rất khổ sở trong những ngày đầu đời. Nên nhớ, đây là những lần đầu tiên con sử dụng đến các cơ hoành này để đào thải, cho nên dù quá trình ấy có tự nhiên đến đâu đi chăng nữa, nó vẫn luôn cần sự cố gắng từ phía con. Bác sĩ nhi khoa Rebecca Preziosi tại Trung tâm y tế Sharpe Rees-Stealy, San Diego (Mỹ) cho biết: 

Việc con gồng mình, rặn, ậm ạch thậm chí vặn mình để phân có thể đi qua được các lớp cơ nơi hậu môn, nhìn trông rất vất vả, nhưng là hoàn toàn bình thường. Một em bé có thể đi ị một lần trong vòng 6 – 10 ngày vẫn được coi là bình thường nếu phân không cứng.

    Các bé bú mẹ hoàn toàn thường có ít phân hơn các bé bú sữa công thức, do sữa mẹ được tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Táo bón hay không, hãy nhìn độ cứng của phân của bé để đánh giá.

 

    Nhiều bé lâu không ị có thể do một hiện tượng sinh lí đặc biệt liên quan đến các đầu dây thần kinh ở vùng hậu môn, lúc này thụt hậu môn có thể là lợi bất cập hại.

    Rất nhiều mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn cầu cứu đến tôi khi con 8 – 10 ngày không ị. Việc các bé bú mẹ hoàn toàn bị táo bón là cực kì hiếm. Với các bé bú mẹ hoàn toàn, sữa mẹ được bé tiêu hóa trọn vẹn nên đôi khi chất thải ra chỉ là nước tiểu, và bé mất rất nhiều thời gian hơn để tạo chất thải rắn như phân. Vào các chu kỳ phát triển nhanh (growth spurt), những em bé nếu không tự tăng lượng bú thì các bậc cha mẹ có thể nhận thấy thời gian nữa các lần đại tiện sẽ là dài hơn. Có nhiều bé trải qua chu kỳ phát triển nhanh bằng 10 – 12 ngày không đi ị.

    Để giúp các bé đào thải phân ra ngoài, kinh nghiệm dân gian của phương Tây khuyến khích làm các việc sau:

  • Không xi bé ị hay đái. Khi bé có biểu hiện muốn đi tiêu, hãy để tự nhiên thực hiện sứ mệnh của nó. Việc mẹ tụt quần bé ra xi, sự thay đổi nhiệt độ (lạnh làm cơ co lại) và thay đổi tư thế làm bé sợ và các cơ không vận hành được một cách tự nhiên.
  • Tập động tác đạp xe: Đặt bé nằm. Cầm 2 chân bé gập về phía bụng để bé ở tư thế co người như bé sơ sinh uốn cong trong bụng mẹ.
  • Xoa, vuốt massage quanh rốn bé theo chiều kim đồng hồ.
  • Tắm nước ấm 37 độ. Tắm bồn, ngâm cả người bé trong nước ấm, nước ngập đến cổ bé.
  • Nước mận có thể dùng với lượng nhỏ cho các bé trên 4 tháng.
  • Trong trường hợp các biện pháp trên không thành công, một chút mật ong ấm và dính sẽ được bôi vào hậu môn của bé. Với nhiệt độ ấm và sự dinh dưỡng của mật ong sẽ kích thích các cơ hậu môn hoạt động và đào thải phân ra ngoài.

    Nên nhớ, bé bú mẹ hoàn toàn RẤT HIẾM khi bị táo bón. Khi thực sự lo lắng về chất lượng phân, bố mẹ ơi, hãy quan sát con. Nếu con vui vẻ, mắt sáng ngời và tăng cân đều đặn, tràn đầy năng lượng của sự sống thì việc con ị ra phân như thế nào thực sự không đáng lo lắng đến thế đâu! Mặc khác, nếu con yếu ớt, cảm giác như bị ốm và cáu gắt, hãy tìm lời khuyên của thầy thuốc.

Trích sách "Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Chiến"