Giỏ hàng

PHỤ NỮ ƠI, HÃY CỐ CHĂM SÓC MÌNH

Mỗi ngày, mình đều nhận được rất nhiều tin nhắn nhờ hỗ trợ, đa số đều liên quan nuôi dạy con, ngoài ra có những tâm sự thật đáng thương, ví dụ như tối hôm kia có một bạn nhắn:

“Em viết những dòng này trong lúc em đang rất rối bời,mất ngủ triền miên,suy sụp cả về sức khỏe và tinh thần rất nhiều ạ. Bé nhà em…..Nhiều khi stress quá e chỉ nghĩ đến cái chết và mất ngủ triền miên,e ko đủ sức chăm bé, lúc nào cũng nghĩ tiêu cực thôi ạ. Rất mong được các anh chị và bố Ken giúp đỡ”. Mình hỏi lại bạn:

- Thế ai đang là người chăm sóc bạn

- Em đang hỏi nhờ a giúp đỡ cho bé ạ

- Anh thấy em cần được chăm sóc trước đó

- Em không có chút thời gian nào

Đại đa số đều vậy, câu trả lời rất quen thuộc là “em không có thời gian”, phụ nữ đều rất yêu thương con, yêu thương mọi người trong gia đình mà quên mất là yêu thương chính mình. Khi chính mình không được yêu thương, không được chăm sóc, khi chính mình đang stress, thậm chí gần trầm cảm rồi vẫn phải gồng gánh trên đôi vai một trách nhiệm rất lớn.

Bạn biết không, khi bạn cạn kiệt năng lượng, bạn sẽ ít kiên nhẫn hơn với con cái và có khuynh hướng phản ứng gay gắt thay vì phản ứng một cách yêu thương. Bạn đưa dòng chảy của tâm trí đến những điều tối tăm nhất, như bạn trên kia.

Thật khó để bỏ đi định kiến rằng: Tự chăm sóc là ích kỷ, là đặt nhu cầu riêng của mình trước con cái. Bạn nhớ rằng: khi chúng ta có thể tự chăm sóc tốt cho mình, bên cạnh việc chăm sóc cho con cái, cuộc sống của bạn sẽ lành mạnh hơn, cân bằng hơn trong các mối quan hệ.

Cũng nhiều mẹ nghiện cái bận rộn trong cuộc sống, không bao giờ quan sát và sắp xếp lại công việc để có 10 phút nghỉ ngơi thanh tịnh. Cứ bị cuốn theo dòng chảy của thời gian.

Nhiều trường hợp khó khăn như các mẹ đơn thân, khó khăn về tài chính, không được chồng hay người thân hỗ trợ sẽ khó có thời gian hơn cho mình. Nhưng mình vẫn tin là khi muốn chúng ta tìm cách, khi không muốn chúng ta tìm lý do. Một vài giải pháp cho chúng ta, có thể:

- Tìm hiểu cách nuôi dạy con từ sớm, có quá nhiều thứ cần phải chuẩn bị từ kiến thức, tâm lý trước khi chào đón một đứa trẻ. Thực sự một em bé EASY ngủ từ 6,7h tối người mẹ sẽ có rất nhiều thời gian. Hãy thực sự nghiên cứu dù đã sinh hay chưa, đặc biệt khi đang còn mang bầu, đang còn có sức các bạn à.

- Khi con ngủ, hãy thực sự nghiêm túc dành cho mình 5 – 10 phút đừng làm gì cả, đừng suy nghĩ gì cả, hoặc là bạn chỉ cần thư giãn thông qua việc cắm hoa, nghe nhạc,… Tóm lại quan trọng nhất là thói quen thư giãn, vài phút mỗi ngày rồi có thể tăng dần, nhưng nhất định duy trì.

Mỗi ngày nghe nhiều CE stress nên mình rất muốn các bạn tự biết chăm sóc bản thân, đừng dẹp đi lời khuyên này, bởi vì khi chúng ta không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân mình, chúng ta khó lòng có thể chăm sóc cho bất cứ ai. Có chăng, nó chỉ là ở sự gồng gánh bên ngoài chứ sâu thẳm tình yêu sẽ bị giới hạn, bạn chăm cho cơ thể con lớn lên song song bạn cũng chăm năng lượng tiêu cực bên trong con lớn lên. Dừng lại và buông bỏ chút sự bận rộn nơi chúng ta bạn nhé.

Người thân thì sao, nếu yêu thương chúng ta có thể làm điều gì cho những người phụ nữ. Trong xã hội hiện nay, vẫn tồn tại một số nhỏ nghĩ rằng: “Có mỗi việc chăm con cũng kêu mệt”. Đang cùng nhau chăm hai đứa nhỏ nên mình chia sẻ những gì đang trải qua:

- Những ngày Ken đi học còn đỡ, Ken mà ở nhà là một tí lại tung cái cửa phòng nơi em Men đang ngủ say sưa. Thế là thằng em cứ ngủ tí lại ré lên. Làm mẹ lại phải gãy tay vỗ cho em ngủ lại. Ngày làm vài lần chắc cũng phát rồ, nhưng nào đâu to tiếng quát nạt Ken đâu. Bạn ấy chỉ là ham chơi chứ không hề có ý gì, mình có chia sẻ nhưng không phải lúc nào Ken cũng có thể nhớ. Bạn ấy vô tư trong sáng lắm. Lao vào nói chuyện với em.

Rồi đến khi thằng em vào WW, nào là catnap, nào là biếng ăn thì mẹ lại thấy xót xa. Mình cũng nghe rất nhiều từ các mẹ: “Em xót quá anh à, đang yên đang lành tự nhiên giảm còn… ml”. Đấy, nhiều khi còn là ti mẹ, nhiều bạn lạch cạch vắt sữa, gãy cả lưng ra xong con không chịu ăn lại tự thấy khổ và tủi nữa. Nửa đêm, lắng xuống, nhìn cảnh vợ lạch cạch chúng ta mới thấy thương ngần nào.

Chuyện tắm bé, vệ sinh,... Để kể ra chi tiết thì quá trời thứ mà một người mẹ trải qua mỗi ngày với con, nhưng phải nói căng thẳng nhất vẫn là khi con ốm đúng không các bạn, trông con ngày càng dạt dẹo đi, ăn không ăn, uống không uống, lại còn đeo bám nữa. Mình thấy nhiều mẹ ôm con khóc trong những lúc con đau ốm như này.

Nhà mình là còn có mình, bà và có 2 cháu đi làm và ở cùng phụ nên cũng đỡ, đêm Men còn nhỏ nên dậy ti vài lần mà cũng thấy mẹ Nga đuối rồi, sinh mổ mà. Thi thoảng đi làm cũng tạt qua chợ mua hoa rồi quay lại cho vợ cắm và thưởng thức,...

Sáng nay, đọc một bình luận của một bạn trong cộng đồng:

“ Em muốn cho cai ti đêm mà chồng em không chịu, cứ bắt bế và ti ngay”

Có bạn khuyên:

“tại sao mẹ là người cho ti mà chồng lại có quyền bắt ép mẹ k đc cai ạ. Mom cứng rắn lên chứ ạ k thì bố nó lấy bình đêm dậy cho con ti đi”

Và câu trả lời là:

“ui ko có tác dụng đâu m ạ. Mẹ tự bế tự chăm, ... Nói chung mệt và stress kinh khủng”

Có lẽ người chồng cũng yêu thương con, nhưng trong tâm trí mình không giải thích nổi, người phụ nữ cũng cần được yêu thương nên viết ra những điều này. Theo như nghiên cứu và thực tế thì bé khoảng 4m và từ khoảng 6 kí sẽ đủ sức để ngủ xuyên đêm rồi, nếu con biếng ăn bữa sáng, con không có nhu cầu ti đêm nữa thì nên cai ti đêm. Giấc ngủ chất lượng còn quan trọng hơn vài chục ml sữa đó.

Mình nhận thấy, để một gia đình hạnh phúc điều quan trọng là vợ chồng cần đồng bộ tư duy, đặc biệt tư duy nuôi dạy con. Đôi khi không cần phải chồng thực hiện, chỉ là cái gật đầu của chồng nhưng nó rất quan trọng đến tinh thần, tâm lý vợ.

Mình cũng thật khó hiểu, mọi thứ rơi vào khủng hoảng, sự tiêu cực trong gia đình, rơi vào đỉnh điểm và bùng phát thì lúc đó chúng ta mới tìm đến sự trợ giúp. Nhưng mình tin, chúng ta không cần chờ phải thật đau như vậy mới thay đổi. Đâu phải chờ đến trầm cảm hay thậm chí tồi tệ hơn nữa đâu….Ngay lúc này, bạn hoặc vợ chồng cùng có thể cho mình một lộ trình/kế hoạch mà.

Bố Ken ✍

-------------------------------------------------------------

Bạn có thể đọc thêm comment chia sẻ của các ba mẹ tại link:  Phụ nữ ơi, cố gắng TỰ CHĂM SÓC MÌNH