DINH DƯỠNG CHO MẸ BỈM SAU SINH
DINH DƯỠNG CHO MẸ BỈM SAU SINH
“ Truyền thuyết “ mẹ chỉ nên ăn đồ khô, đồ mặn, chỉ ăn chân giò để “ chắc bụng “ , nhiều sữa là không đúng. Mẹ sau sinh nên ăn uống bình thường theo khẩu vị và sở thích của bản thân, thức ăn ngon và sạch, đảm bảo vệ sinh đều có thể ăn được. Mẹ nên uống nhiều nước để giúp tạo sữa và có thể uống thêm sữa.
LƯỢNG ĂN ĐỦ
Sau sinh, phần lớn những bà mẹ cần từ 1800 đến 2200 calo mỗi ngày, và hơn 500 calo nữa (tương đương 3 chén cơm mỗi ngày) nếu cho con bú sữa mẹ. Trường hợp bạn thiếu cân hoặc sinh nhiều hơn một con, thì con số thậm chí còn phải cao hơn nữa.
Để đạt được nhu cầu năng lượng này, bạn cần:
- Ăn tăng bữa: khẩu phần cả ngày của bà mẹ đang nuôi con bú nên được chia làm nhiều bữa (3-6 bữa/ngày, gồm 3 bữa chính và các bữa phụ).
- Ăn đa dạng: bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm với 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
- Bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết: ngay sau khi sinh hoặc chậm nhất trong vòng 1 tháng đầu sau sinh, bà mẹ được khuyên dùng 1 viên vitamin A liều cao (200.000UI), ngoài ra các bà mẹ vẫn nên tiếp tục sử dụng viên sắt hoặc viên đa vi chất (ít nhất là duy trì 1 tháng đầu sau sinh).
LOẠI THỰC PHẨM NÊN ĂN
Bạn không cần ăn loại thực phẩm đặc biệt nào cả. Chỉ cần cố gắng tuân thủ chế độ ăn cân bằng – tức phối hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau, bao gồm:
- Tinh bột: như cơm, phở, mì, bánh mì, khoai tây,…
- Các sản phẩm từ sữa: như sữa chua, sữa tươi
- Chất béo: Để đảm bảo chất lượng sữa cho bé, bạn cần bổ sung chất béo lành mạnh cho cơ thể từ dầu cá, các loại hạt, các loại cá vùng biển lạnh như cá hồi
- Protein: Bữa ăn của bạn cần được bảo đảm đủ những chất protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa...) và thực vật (các loại đậu, mè, ngũ cốc, ...)
- Rau củ và trái cây: hãy tăng cường nhiều rau củ và trái cây vào chế độ ăn hàng ngày của bạn để được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết, đồng thời đủ chất xơ để tránh táo bón
- Nhu cầu về nước: bà mẹ đang nuôi con bú cần uống đủ nước, trung bình khoảng 2,0 – 2,5 lít nước/ngày (tương đương với 12 đến 15 cốc nước). Bạn có thể nhận thấy tình trạng thiếu nước của cơ thể dựa vào nước tiểu: nếu nước tiểu vàng đậm hay có mùi mạnh, bạn cần phải uống nước nhiều hơn.
LƯU Ý
♦ Có một số đồ ăn mẹ nên tránh như cá loại gia vị: tỏi, hành, tiêu, ớt,… vì các loại thức ăn này có thể tiết mùi qua mồ hôi, mà tuyến sữa cũng được xem như một tuyến mồ hôi, nên nếu những mùi này tiết qua sữa có thể khiến trẻ cảm thấy không thích hoặc không chấp nhận. Mẹ cũng không nên uống cà phê hay các loại đồ uống có cồn bởi các chất này tiết qua sữa sẽ khiến cho trẻ bị bứt rứt.
♦ Rượu bia: hệ tiêu hóa và hệ thần kinh của bé còn rất non nớt, cần được bảo vệ khỏi bất kỳ lượng rượu bia nào dù nhỏ.
♦ Nhiều người vẫn tin rằng mẹ ăn “ đồ tanh “ khiến trẻ bị đi ngoài, điều này cũng không đúng. Trong ngành thực phẩm không có khái niệm “ đồ tanh “. Nếu mẹ ăn món gì đó, sau đó bị tiêu chảy là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc quá trình chế biến đồ ăn khiến thực phẩm bị nhiễm bẩn. Ví dụ như để thức ăn chín chung với thức ăn sống thì dễ bị nhiễm khuẩn khi không được xử lý đúng cách. Mẹ bị tiêu chảy nghĩa là cơ thể của mẹ đã thải siêu vi, vi khuẩn bằng cách đi tiêu ra ngoài. Những siêu vi, vi khuẩn này không thể xâm nhập qua máu để đi vào sữa, do đó, sữa mẹ là hoàn toàn sạch, trẻ bú vào không bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu đầu vú mẹ bị bẩn, trẻ bú trực tiếp dễ bị nhiễm khuẩn và tiêu chảy. Hoặc nếu mẹ bị tiêu chảy mà không vệ sinh tay sạch sẽ, thì mầm bệnh cho thể lây vào trẻ, khi đó, trẻ cũng bị tiêu chảy.
Nguồn: Sách Để Con Được Ốm, ST