Giỏ hàng

Bé đổ mồ hôi "TRỘM", có đáng lo?

 BÉ ĐỔ MỒ HÔI "TRỘM" CÓ ĐÁNG LO?

“Đổ mồ hôi trộm“ và trằn trọc khó ngủ là do thiếu canxi?

    Tôi không hiểu tại sao có chữ “ trộm“ theo sau từ “mồ hôi“, có lẽ do nó xảy ra trong đêm, giống như những tay trộm thực hiện hành động khoắng đồ mà không ai hay biết? Đùa vui một chút thế thôi. Về mặt khoa học, nguyên nhất thường thấy nhất khiến trẻ đổ mồ hôi là do nóng, đặc biệt là ở Việt Nam có khí hậu nhiệt đới và đặc biệt hơn nữa là ở Sài Gòn. Và “nóng“ là do cảm nhận của cá nhân đó, tức là của trẻ, chứ không phải của cha mẹ trẻ. Thường thì trẻ dễ đổ mồ hôi hơn người lớn vì thân nhiệt của trẻ có khuynh hướng cao hơn người lớn. Điều này là bởi trẻ hoạt động nhiều hơn, hệ thần kinh giao cảm mạnh hơn của người lớn nên nhịp tim và nhịp thở của trẻ nhanh hơn người lớn.

    Do đó, với một nhiệt độ phòng nhất định nào đó, người lớn thấy lạnh nhưng trẻ có thể thấy nóng. Nói chung, càng già đi, người ta càng có khuynh hướng sợ lạnh nhiều hơn (các bạn có thể so sánh giữa thanh niên, trung niên và người già về cảm nhận nóng lạnh ở một nhiệt độ phòng nào đó). Vì vậy, người lớn thấy đặt máy lạnh ở nhiệt độ 25 độ C là có thể thấy lạnh, nhưng trẻ lại thấy rất nóng.

 

    Mặt khác, trẻ được cho bú sữa ấm thì đương nhiên sẽ nóng lên và dễ đổ mồ hôi hơn. Trẻ cũng không xoay trở đầu thường xuyên được như người lớn, nên đầu của trẻ dễ bị bí hơn và dễ bị nóng hơn. Và vì trên đầu có nhiều tuyến mồ hôi nên trẻ sẽ đổ nhiều mồ hôi trên đầu. Hoặc nếu trẻ nằm nhiều thì cũng có thể thấy trẻ đổ mồ hôi ở lưng. Đó là chưa kể cha mẹ để nhiệt độ máy lạnh khoàng 26-30 độ C, rồi còn “ủ ấm” nữa thì chắc chắn trẻ sẽ đổ mồ hôi đầm đìa.

    Và khi đổ mồ hôi do nóng vậy thì có ai ngủ ngon không nhỉ? Tôi e rằng không rồi. Vậy thì cách làm cho trẻ bớt đổ mồ hôi và ngủ ngon thì để nhiệt độ phòng khoảng 16-20 độ C. Trẻ phải được hưởng luồng gió của máy lạnh đó và không đắp mền hay ủ ấm gì hết. Khi đó trẻ sẽ hết triệu chứng “thiếu canxi”. Vì vậy, trẻ bị đổ mồ hôi và không ngủ ngon ban đêm không phải bị thiếu canxi hay vitamin D gì cả, mà do thiếu cái máy lạnh đối với trẻ. Để hiểu kỹ hơn về vấn đề này, bạn nên đọc câu chuyện về “Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ”.

    Cũng có nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng về việc trẻ đổ mồ hôi nhiều sẽ thấm ngược vào người làm trẻ bị viêm phổi. Tôi xin khẳng định rằng, chuyện thấm ngược mồ hôi vào người đích thị là một truyền thuyết khác. Nếu như da không bị bất cứ tổn thương nào, nghĩa là lành lặn nguyên vẹn,thì nó chỉ cho phép nước đi từ trong cơ thể ra ngoài qua tuyến mồ hôi. Đồng thời da cũng trở thành hàng rào bảo vệ ngăn cách, không cho những gì bên ngoài xâm nhập vào cơ thể cả, cho dù là những thứ nhỏ như vi trùng. Chỉ khi có những tổn thương trên da (do trầy xước, bỏng,..) thì những vật bên ngoài mới xâm nhập qua chỗ tổn thương da đó để vào cơ thể. 

   Còn một điều quan trọng khác là nguyên nhân của viêm phổi (hay cảm lạnh) hoàn toàn không phải do không khí lạnh, thay đổi nhiệt độ, gió máy, hay uống nước đá lạnh, mà là do sự xâm nhập của siêu vi hay vi trùng (mầm bệnh) vào đường hô hấp thông qua ba cửa ngõ: miệng, mũi hay mắt. Vì vậy muốn ngừa những bệnh đường hô hấp đó thì cách tốt nhất và đơn giản nhất là che mũi miệng khi ho hay hắt hơi (che bằng khuỷu tay) và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh. 

Trích sách: Để con được ốm - B.s Trí Đoàn