Giỏ hàng

WONDER WEEK 26

🌈 WONDER WEEK 26

Mình đã viết WW5, 8, 12, 19 và giờ là WW26

Một là cuốn tuần khủng hoảng đang chờ tái bản chưa có ngày cụ thể. Nên các mẹ không mua được.

Hai là không phải chỉ mỗi trong sách tuần khủng hoảng, Bố Ken và team còn tổng hợp từ nhiều sách nữa, kèm thêm trải nghiệm từ thực tế của Ken, của rất nhiều em bé khác.

Ba là mình cũng nghiên cứu trước để chuẩn bị cho bạn Men (Hiện 13W). Thành công trong sự chuẩn bị chính là chuẩn bị cho sự thành công.

Bởi vậy: Bài viết này khá dài, mong muốn giúp các mẹ có một sự chuẩn bị tốt. Các mẹ T.A.G thêm cả anh xã vào nhé.


Ở wonder week này, trẻ sẽ có thể bắt đầu khám phá, hiểu được nhiều mối quan hệ giữa các vật xung quanh thế giới của trẻ, dựa trên những kiến thức về các sự kiện mà trẻ đã học được từ ww19. Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà bé có thể hiểu được lúc này là khoảng cách giữa vật này với vật khác. Đây là một thay đổi quan trọng trong thế giới của bé.

Khám phá này có thể rất đáng sợ đối với bé, dẫn đến những khủng hoảng xung quanh tuần 26, và cha mẹ sẽ trải qua trong vòng vài tuần. Nhưng khi hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ hãi này, bạn có thể làm được nhiều việc để giúp bé. Phát triển tốt hơn.

Giai đoạn nhặng xị này thường kéo dài 4 tuần, hoặc chỉ 1 tuần hoặc thậm chí tới tận 5 tuần

I/ BIỂU HIỆN CỦA BÉ

1/ Bé ngủ kém hơn

Hầu hết các bé đều khó ngủ hoặc dậy sớm hơn. Sau ww19, nhiều bé đã có thể tự chuyển giấc mượt hơn, nhưng đến tầm 22w thì lại khó để chuyển giấc hơn, đặc biệt là nap 2 và giấc ngủ đêm

2/ Bé ăn kém hơn

Cả trẻ bú mẹ và bú bình đều thỉnh thoảng không chịu bú hoặc hoàn toàn không bú, kể cả những thực phẩm khác. Trẻ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành bữa ăn

3/ Bé trở nên nhút nhát hơn

Bé có thể không muốn người khác nhìn, nói chuyện, chạm vào bé hay ngồi trong lòng họ

4/ Bé lúc nào cũng muốn ở bên bạn

Nhiều bé không muốn bị đặt xuống quá nhiều, lúc nào cũng muốn được bế. Nhưng một số bé thì lại bắt đầu trườn xuống và tiến về những thứ thú vị ở xung quanh ngay khi vừa được ở trên đùi mẹ. Các mẹ hãy quan sát kĩ những điều này.

5/ Trẻ có thể thiếu sức sống

Bé có thể không tạo ra những âm thanh quen thuộc hoặc chỉ nằm im, nhìn xung quanh hoặc nhìn những gì trước mặt mà thôi

Tất cả những biểu hiện này nếu không biết trước có thể khiến chúng ta căng thẳng, stress, thậm chí mất bình tĩnh. Hãy cố gắng tìm sự giúp đỡ trước khi bạn mất kiểm soát. Hãy nhìn vào mặt tích cực, là những kĩ năng, sự tiến bộ của con sau khi trải qua khoảng thời gian bão tố. "Đơn giản là hành vi của con trong giai đoạn này chứ bản chất con vẫn rất tuyệt vời". Hãy ghim câu nói này các mẹ nhé.

II/ NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN BÉ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC

Những kĩ năng được đề cập đến ở đây có thể xuất hiện ở độ tuổi sớm nhất có thể, đừng lấy đó làm tiêu chuẩn và áp lực khi con bạn chưa đạt được chúng. Bạn hãy để ý quan sát điều con thích nhất trong thế giới của những mối quan hệ. Khi nhân thấy con thể hiện bất cứ sở thích hoặc kĩ năng mới nào, bạn cũng cần hồi đáp lại. Sự quan tâm của bạn sẽ giúp quá trình học hỏi của con diễn ra nhanh hơn

Một trong những kĩ năng quan trọng mà trẻ học được trong bước nhảy vọt này là làm sao để giải quyết vấn đề khoảng cách giữa mẹ và bé, nên bé sẽ thực sự trở nên nhặng xị vào khoảng tuần thứ 29, sau khi những kĩ năng mới của trẻ bắt đầu cất cánh.

1/ Sự thay đổi trong nhận thức của bé

  -    Bé có thể nhận ra là mẹ có thể gia tăng khoảng cách nhiều hơn mức con muốn và bé ý thức được rằng mình chẳng thể làm được gì cũng như không thể kiểm soát được khoảng cách đó. Điều này khiến bé sợ và dẫn đến những biểu hiện nhặng xị

  -    Bé có thể hiểu được một vật có thể ở bên trong, bên ngoài, bên cạnh, trên, dưới hoặc ở giữa vật khác

  -    Bé hiểu được rằng mình có thể khiến cho 1 số việc nhất định xảy ra, chẳng hạn như đập vào nút bấm để nhạc được phát hoặc đèn được bật

  -    Bé có thể nhận ra khi nào có gì đó không ổn, chẳng hạn như mẹ đánh rơi vật gì đó và hét lên, sau đó nhanh chóng quỳ xuống để chộp lại nó. Một số bé thấy điều này thực sự rất thú vị, số khác lại sợ hết hồn. Chơi Ú Òa, đọc sách ú òa... là một trò chơi khá thú vị với con. Bạn quan sát nhé.

  -    Bé cũng bắt đầu khám phá ra rằng bé có thể điều khiển các cử động của cơ thể, và những bộ phận này hoạt động thống nhất với nhau. Khi đã hiểu được điều này, bé có thể học được cách bò hiệu quả hơn

2/ Những kĩ năng bé thể hiện ra

a. Kĩ năng thăng bằng

  -    Bé ngồi được thẳng mà k cần đỡ, hoặc ngồi ếch

  -    Có thể ngồi dậy từ tư thế nằm

  -    Tự ngồi xuống được sau khi đứng

b. Kiểm soát cơ thể

  -    Đứng vịn, đi men có thể đi được nếu được đỡ, đứng nhún nhảy nhiều hơn

  -    Trườn, hoặc có thể bò lên bò xuống 1 đoạn ngắn

  -    Cúi người hoặc nằm sấp để với thứ gì đó dưới gầm bàn

c. Vận động tinh

  -    Có thể chơi với đồ gì đó bằng 2 tay

  -    Nhấc thảm lên để nhìn phía dưới

  -    Dốc hết đồ trong hộp ra

  -    Ném đồ

  -    Cố nhét đồ chơi này vào trong đồ chơi kia

  -    Cố cậy tung 1 món đồ chơi

  -    Tự giật tháo tung tất

  -    Nhấc hết đồ trong tủ hoặc trên các kệ xuống

d. Quan sát

  -    Nhìn hết đồ vật này tới đồ vật khác, người này tới người khác tỏng những cuốn sách ảnh khác nhau

  -    Quan sát những hành động của các con vật hay mọi người xung quanh

  -    Quan tâm, chú ý nhiều hơn tới những chi tiết hoặc những bộ phận nhỏ hơn của đồ chơi hoặc các vật khác, chẳng hạn như nhãn mác trên chiếc khăn tắm

  -    Tự chọn sách để xem, chọn đồ để chơi

e. Lắng nghe

  -    Kết nối giữa hành động và lời nói, hiểu được những mệnh lệnh, yêu cầu ngắn như “Không, không được làm thế” và “Cố lên, gắng lên nào”

  -    Chú ý lắng nghe lời giải thích và có vẻ hiểu được

  -    Thích nghe tiếng con vật khi nhìn vào tranh động vật

- Để ý những âm thanh liên quan tới 1 hoạt động cụ thể nào đó, chẳng hạn như tiếng giở sách. Lắng nghe những âm thanh tự mình tạo ra, chẳng hạn như vẩy nước khi tắm

f. Bắt chước

  -    Bắt chước chào tạm biệt

  -    Vỗ tay khi được bảo

  -    Bắt chước gật, lắc đầu

g. Khoảng cách mẹ - bé

  -    Phản đối khi mẹ bỏ đi

  -    Bò theo mẹ

  -    Liên tục giao tiếp với mẹ dù vẫn đang bận rộn chơi 1 mình

III/ NHỮNG VIỆC CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ĐỂ GIÚP CON ĐẠT ĐƯỢC KĨ NĂNG VÀ VƯỢT QUA WW26

1/ Xây dựng niềm tin với bé rằng bạn không bỏ rơi bé

Hầu hết trẻ bắt đầu nhận ra về khoảng cách, hoảng sợ khi thấy mẹ không thuộc tầm kiểm soát của mình, và bất lực vì không thể làm gì được khoảng cách giữa 2 mẹ con. Lúc đầu, thật khó để chấp nhận chuyện này là một sự tiến bộ, nhưng đó thực sự là một dấu hiệu của bước nhảy vọt trong nhận thức con.

Bạn cần giúp con học cách đối phó với sự phát triển này và biến nó thành một phần trong thế giới mới của con để con không còn thấy sợ hãi nữa. Việc này đòi hỏi sự thấu hiểu, đồng cảm, luyện tập, và thời gian. Hãy chấp nhận sự sợ hãi của bé.

  -    Hãy báo cho con biết trước khi bạn phải đi và tiếp tục nói chuyện với bé khi bạn đang rời đi nơi khác. Bằng cách này, con sẽ biết là bạn vẫn còn ở đó, ngay cả khi bé không nhìn thấy. Có thể đặt 1 chiếc đồng hồ báo thức, và giao hẹn với con mẹ sẽ đi trong vòng 1 phút, chính là đến khi đồng hồ kêu, mẹ sẽ quay lại. Hãy giữ đúng lời hứa với con. Con có thể không nói ra bằng lời, nhưng con sẽ hiểu bạn nhé.

  -    Trò chơi ú òa: lấy quyển sách, khăn che mặt lại khi ngồi bên cạnh con, sau đó trốn sau chiếc ghế dài ở cạnh con, rồi trốn sau tủ ở xa con hơn chút, và cuối cùng là trốn sau cánh cửa

  -    Nếu con đã có thể trườn, bò, hãy trấn an con bằng cách giúp con đi theo bạn. Đầu tiên, hãy thông báo với con rằng mẹ sắp đi, sau đó từ từ bước ra ngoài để con có thể đi theo bạn. Chú ý điều chỉnh tốc độ của bạn phù hợp với tốc độ của con.

Những hành động này có thể giúp con biết là bé có thể kiểm soát được khoảng cách giữa bé và mẹ, con cũng sẽ tin tưởng là mẹ sẽ không biến mất, mẹ sẽ quay lại đúng như mẹ đã hứa

2/ Giúp bé khám phá thế giới mới thông qua việc di chuyển

  -    Bạn có thể xếp chăn, màn, gối với độ cao, độ mềm phù hợp để con bò qua. Hãy khuyến khích trẻ tiếp tục khám phá

  -    Bạn cũng có thể tự làm đường hầm từ những chiếc hộp hoặc ghế để con chui qua, hay tận dụng kệ chữ A làm lều để con bò vào bò ra. Nếu bạn bò cùng con, thú vị sẽ nhân đôi. Cố gắng thêm cả những trò ú òa hoặc trốn tìm vào

  -    Tạo cơ hội cho con học được cách thế giới vận hành như thế nào thông qua các hoạt động cơ bản như: nhặt độ chơi vào trong giỏ hoặc ngược lại, nhét vật qua khe chấn song,…Đây là cách để con khám phá những mối quan hệ như bên trong, ngoài, trên, dưới. Bạn cũng đừng ngăn cản việc bé ném đồ vì đây cũng là cách để bé khám phá về các mối quan hệ, có thể giới hạn với bé những món đồ mà con có thể ném.

Khi bé trở nên di động hơn, bạn cũng cần biến ngôi nhà thành nơi an toàn cho bé thoải mái khám phá

3/ Giúp bé khám phá thế giới mới thông qua việc sử dụng cơ thể

  -    Khoảng thời gian này bé có thể thử tự ngồi nhờ vào kĩ năng giữ thăng bằng của bé. Nếu bé vẫn chưa ngồi vững, hãy giúp bé tự tin hơn bằng các trò chơi giữ thăng bằng.

Trò chơi giữ thăng bằng khi ngồi: Bạn ngồi trên ghế thoải mái, đặt con ngồi lên đùi gần đầu gối của bạn, giữ 2 tay con và từ từ di chuyển sang trái - phải, hoặc trước – sau, hoặc theo vòng tròn. Cử động di chuyển vừa đủ để trẻ cảm thấy muốn tự mình tìm kiếm sự thăng bằng. Nếu bé đã cứng cổ, bạn cũng có thể chơi trò này với quả bóng Yoga

  -    Một số bé cũng thử đứng dậy. Hãy giúp đỡ bé đứng, nhưng đừng bao giờ cố thúc con ngồi xuống hoặc đứng lên quá sớm so với ý muốn của con. Cho con chơi trò chơi đứng thăng bằng tương tự với trò giữ thăng bằng khi ngồi

  -    Trẻ có thể bắt đầu kiểm soát 2 tay tốt hơn. Hãy cho con những đồ chơi kích thước phù hợp, an toàn để con chuyển từ tay này sang tay kia, hoặc thực hiện động tác chuyển tay này mà không có đồ chơi, để con có thể vỗ 2 tay vào nhau, hoặc thả cả 2 món đồ chơi cùng lúc, sau đó lại nhặt chúng lên

  -    Bạn có thể đặt 1 khay kim loại dưới sàn, bế con ngồi trên ghế, chỉ cho con cách thả đồ chơi sao cho chúng rơi vào chiếc khay và tạo thành những tiếng coong coong thú vị

4/ Giúp bé khám phá thế giới mới thông qua ngôn ngữ

  -    Nhiều bé có thể bắt đầu hiểu được mối liên hệ giữa các câu nói ngắn gọn với ý nghĩa của câu đó khi bé bước vào thế giới của những mối quan hệ, tuy nhiên chỉ trong môi trường, ngữ cảnh quen thuộc với bé. Cuốn sách ấn tượng nhất chính là "nhà tớ có những ai", kết hợp cả ú òa và hoàn cảnh gia đình trong đó. Ken là một cậu bé rất rất thích cuốn sách này.

  -    Hãy sử dụng những câu nói ngắn với cử chỉ rõ ràng, dứt khoát. Hãy giải thích việc bạn đang làm. Hãy cho con nhìn, cảm nhận, ngửi và thậm chí là nếm những thứ mà bạn đang nhắc đến. Nếu con phản ứng lại, hãy tỏ ra phấn khích với sự tương tác, tò mò của bé

  -    Nếu con thích âm nhạc, hãy hát, múa, vỗ tay cùng con để bé có thể luyện tập sử dụng lời nói, cử chỉ

  -    Cùng con đọc sách: Đặt con vào lòng và để con chọn cuốn sách con thích. Gọi tên bất kì thứ gì con nhìn vào, nếu cuốn sách có hình con vật, hãy bắt chước tiếng của chúng

5/ Vấn đề ăn của bé

Lúc này bé đã bắt đầu hoặc chuẩn bị vào giai đoạn ăn dặm. Một số bé sẽ thích được đút, bạn có thể lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để bé được nếm mùi vị riêng biệt của từng món ăn. Có những bé thích sự chủ động, khám phá, bé từ chối khi được đút, thì bạn hoàn toàn có thể chuyển sang phương pháp BLW. Đừng sợ bẩn mà hãy cho con tự do khám phá đồ ăn, để ăn uống với con là niềm vui chứ không phải là sự ép buộc. Tuần này mình sẽ chia sẻ thêm về ăn dặm trong GR này or Gr Ăn Dặm Theo EASY - Bố Ken

6/ Lịch sinh hoạt

Sớm nhất bé có thể sinh hoạt theo lịch E234 là lúc 26 tuần. Trong khoảng 17 đến 26 tuần chúng ta cần một lộ trình biến thể phù hợp từ E4 đến 234, nhằm đảm bảo bé không bị nợ ngủ. Tuy nhiên bạn cần quan sát để có thể lùi lịch 1 vài lần nữa trước khi con theo mượt được lịch này.

Điều này không có nghĩa là các bé đều phải chạy đua để hoàn thành mốc này khi được 26w. Hãy quan sát con, có thể bé nhà bạn vẫn đang phù hợp với lịch biến thể thì mẹ cũng không cần vội vàng để lên lịch 234 hoàn chỉnh

7/ Những đồ chơi phù hợp cho giai đoạn này

  -    Tủ hoặc kệ đồ chơi dành riêng cho con

  -    Hộp, khay cho các trò nhặt, ném vật nào đó vào.

  -    Đồ chơi xếp chồng: cốc giấy, đồ chơi bằng gỗ. Đồ gỗ, Bên Shop Bố Ken mới bổ sung mấy trò này (Ví dụ trong bức hình)

  -    Đồ chơi nhà tắm: những đồ có thể đổ hết ra, vd như cốc nhựa, bình tưới nước (Shop Bố Ken có)

  -    Bóng múi Montessori: giúp bé luyện chân, kích thích trườn bò (Shop Bố Ken có)

  -    Sách vải, sách có hình ảnh phù hợp (Shop Bố Ken có). Như lúc nãy mình có chia sẻ: Ai ở sau lưng bạn đấy hay các sách ú oa tương tự, bộ sách vải như nhà tớ có những ai... sẽ rất phù hợp với con giai đoạn này. Ba mẹ có thể nhắn sang Fanpage để được hỗ trợ Shop Bố Ken.

  -    CD các bài hát trẻ em

  -    Đồ chơi có thể phát ra âm thanh

Bé không thể học được bất cứ điều gì khi bị tét vào tay “cho biết”. Đánh mắng, thể hiện sự bất lực của chính chúng ta, kể cả đó chỉ là một cái tét nhẹ mang tính cảnh cáo vào tay. Tốt hơn hết là đưa con tránh xa những thứ con không được chạm vào, và nói “Không” một cách rõ ràng kho con làm việc gì đó trái với nguyên tắc của bạn….

Hi vọng, những kiến thức tổng hợp từ các sách giáo dục sớm, từ trải nghiệm bản thân, đồng nghiệp, hàng trăm ngàn ba mẹ khác sẽ giúp các bạn đi sau sớm cho mình những sự chuẩn bị tốt.

Chúc các con sớm vượt bão, vui vẻ với nhiều kỹ năng mới.

Ba mẹ TAG thêm người đồng hành và bạn bè của mình vô giúp mọi người đều đọc được nhé.

From Bố Ken with love ✍